[halim_report]
Khi cuộc tranh cãi về hôn nhân đồng tính ở Mỹ vẫn đang tiếp diễn thì bộ phim mới đầy gay cấn của đạo diễn Lisa Cholodenko mang tựa đề The Kids Are All Right đang thu hút số đông khán giả Mỹ. Annette Bening và Julianne Moore hóa thân thành cặp đôi đồng giới trong phim The Kids Are All RightThe Kids Are All Right đã nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình và là phim ăn khách kể từ khi có mặt ở rạp chiếu nhiều thành phố lớn của Mỹ hôm 9/7. Không có một cuộc cách mạng rõ nét nào trong The Kids Are All Right, bộ phim giải trí kể về một cặp đồng tính nữ tuổi trung niên (do Annette Bening và Julianne Moore thủ vai) có những đứa con tuổi vị thành niên tìm thấy người hiến tinh trùng là cha mình (Mark Ruffalo). Nhưng thực ra, phim là một tác phẩm mang tính chính trị rõ rệt. Hôn nhân đồng tính và cha mẹ là người đồng giới trong phim nêu bật những thực tế của cuộc sống Mỹ hiện đại. Cách tiếp cận của phim cũng như thời điểm phát hành (Mỹ có thêm nhiều bang hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính) đã đặt The Kids Are All Right vào vị trí mà sử gia điện ảnh Mark Harris, trong một cuộc phỏng vấn với France24.com, gọi là phim có tiềm năng cập nhật chuẩn mực màn bạc Mỹ cho những gì được coi là gia đình Mỹ “bình thường”.Không có cảm giác phim “không bình thường” Các mối quan hệ đồng tính đã được nêu bật trong nhiều bộ phim Mỹ, như Brokeback Mountain, The Birdcage. Trong những tác phẩm điện ảnh đó, tình dục đồng tính được mô tả như một phong cách sống lập dị rõ ràng. Nếu so sánh, thật khó có thể “gán” cho cặp đôi đồng tính trong phim The Kids Are All Right là những người có tính “lật đổ”. Mà thay vào đó, phim cho thấy Nic, Jules và hai đứa con của họ đã tạo nên một gia đình theo tập quán như thế nào. Nic, một bác sĩ, là người trụ cột nuôi cả gia đình và là người kỷ luật, trong khi Jules lại là người đồng bóng hơn, là người nội trợ trong gia đình. Cả hai đều dồn tâm trí cho cuộc sống đúng mực của hai đứa con tuổi vị thành niên của mình, một đứa con gái thông minh và cậu con trai khỏe mạnh. Xem cảnh đầu tiên là bữa tối của gia đình, bao trùm khung cảnh đó là những câu chuyện tán gẫu hết sức thân mật cùng những lời cằn nhằn khiến người xem không có cảm giác đang xem một bộ phim “không bình thường” của điện ảnh Hollywood. Trong một cuộc phỏng vấn quảng bá phim, đạo diễn Cholodenko, bản thân chị cũng là một người đồng tính luyến ái đang nuôi một đứa con với người bạn tình đồng giới, nói rằng rất tự nhiên khi đặt gia đình này vào bối cảnh văn hóa dễ nhận biết như vậy. “Tôi biết thể nào cũng có người nói đây là một gia đình trái với thông lệ, hai người mẹ và những đứa con. Đối với tôi, kiểu gia đình như vậy lại khá điển hình. Chúng tôi đang đưa thực tế đó lên màn bạc theo cách không nằm trong môi trường bị chính trị hóa”. Phong cách sống lập dị trong phim không phải là hôn nhân đồng giới hay cha mẹ đồng giới, mà là sự tồn tại của một người đàn ông bình thường nhưng chưa vợ: Paul, người đã hiến tinh trùng, nhưng tình trạng sống “vật vờ” của anh ta lại tương phản với sự ổn định của cặp đôi đồng giới nữ. Khi Paul gắn kết với những đứa trẻ mà anh ta không hề biết mình có chúng và có sự gần gũi đáng nguy hiểm với một trong hai người mẹ chúng, thì sự dính kết của gia đình này nằm trong thử thách. Đạo diễn kiêm đồng tác giả kịch bản Cholodenko không hề ngại đề cập đến những khía cạnh dễ bị tổn thương của gia đình này. Chị mô tả tính tò mò của hai đứa trẻ khi trong cuộc sống của chúng xuất hiện một người đàn ông... Xóa bỏ hàng rào với gia đình “gay” Cholodenko không có ý định lấy hôn nhân đồng tính làm đề tài thử nghiệm, mà chị đưa ra những vấn đề trong gia đình này như những sự “biến tấu” của những lo lắng gia đình, như tình trạng không được nghỉ ngơi, những khủng hoảng về lòng trung thành và tính cách – tương tự như những gì mà các bậc cha mẹ và con cái trong gia đình bình thường phải đối diện. Theo các nhà phê bình, Cholodenko không chỉ làm được một bộ phim hay mà còn rất có ý nghĩa. Lisa Schwarzbaum, trong bài phê bình về phim đăng trên tạp chí Entertainment Weekly, đã viết rằng “phim xóa bỏ được những hàng rào giữa “nội dung gay” và “nội dung gia đình” phổ biến. Nhiều nhà phê bình còn “tâm đắc” với phim hơn khi cho rằng tác phẩm điện ảnh này không chỉ định hình lại những quan niệm về gia đình Mỹ trên màn bạc mà còn về cuộc tranh cãi về hôn nhân đồng tính ở Mỹ. “Nếu The Kids Are All Right có thể là một vũ khí hữu hiệu trong các cuộc chiến văn hóa, thì không phải vì nó tạo nên cách nhìn cấp tiến về hôn nhân và gia đình, mà vì nó quá hiện thực, quá sexy, quá buồn, quá trung thực và khôi hài đến xé lòng”, nhà phê bình Andrew O’Hehir của Salon.com nhận định.